Giới thiệu

Giới thiệu về Ngô Quyền

Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 03 năm Đinh Tỵ (898) ở ấp Đường Lâm (nay là thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây tỉnh Hà Tây. Nay thuộc thủ đô Hà Nội. Ông là con quan Châu Mục Đường Lâm tên là Ngô Mân.

Thưở nhỏ, ông được nuôi dưỡng trên quê hương giàu truyền thống anh hùng.

Lớn lên, Ngô Quyền có trí dũng và sức mạnh hơn người, cử nổi vạc lớn, được Dương Diên (Đình) Nghệ nể vì, yêu mến gả con gái cho và trao binh quyền giữ Ái Châu (Thanh Hoá).
Tháng 03 năm Đinh Dậu (937) sau khi Kiều Công Tiễn đem lòng phản nghịch giết chết Dương Đình Nghệ để đoạt chức tiết độ sứ, khắp nơi lòng người đều oán ghét. Ngô Quyền vô cùng căm giận, liền bí mật kéo quân từ Ái Châu ra đóng ở vùng Hải Phòng chiêu mộ thêm binh lực, lập đại bản danh ở vùng Lương Sâm, ra công bố trí thành lũy luyện tập binh sĩ chờ ngày ra quân diệt trừ quân tham bạo.
Mùa thu năm Mậu Tuất (938), trước khí thế của ba quân và lòng mong đợi của nhân dân, Ngô Quyền cùng người em vợ là Dương Tam Kha đem 5 vạn quân đi đánh Kiều Công Tiễn ở Giao Châu. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Kiều Công Tiễn đã hèn nhát, bí mật cho tay sai đem vàng bạc, châu báu sang đút lót vua Nam Hán xin cứu viện.
Vua Nam Hán lúc đó là Lưu Yểm muốn nhân cơ hội này sang cướp nước ta, bèn sai con trai là Vạn Vương Hoàng Thao chuẩn bị binh lực sang xâm lược nước ta và phong sẵn chức cho con là Giao Vương.
Cuối năm 938, Hoàng Thao thống lĩnh đội thủy quân gồm 20 vạn quân và hàng ngàn chiến thuyền theo bờ biển vùng đông bắc ồ ạt tiến vào nước ta. Còn Lưu Yểm mang quân đóng giữ Hải Môn (thuộc tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc) để sẵn sàng tiếp ứng cho Hoàng Thao.
Nắm vững âm mưu của quân giặc, Ngô Quyền bí mật sai người đi giết Kiều Công Tiễn, một mặt ông bí mật hạ lệnh cho quân sĩ cùng với nhân dân địa phương vùng Thủy Nguyên – Yên Hưng chặt gỗ đẽo nhọn rồi đóng vào nơi cửa sông Bạch Đằng.
Tháng 10 năm đó (938) lợi dụng nước thủy triều dâng lên, lại có gió mùa đông bắc, đoàn chiến thuyền của giặc do tướng Hoàng Thao chỉ huy ồ ạt tiến vào vịnh Hạ Long, vào sông Bạch Đằng gặp đoàn thuyền chiến nhẹ của ta ra khiêu chiến, đoàn thuyền giặc đốc thúc đuổi theo. Chờ cho nước thủy triều rút, Ngô Quyền hạ lệnh phản công. Bị đánh bất ngờ quân giặc vô cùng kinh hoàng hạ lệnh cho quân quay mũi thuyền định tháo chạy. Thuyền giặc càng lao nhanh càng đâm vào mũi cọc vỡ tan chìm xuống dòng sông, toàn bộ quân giặc phần thì bị giết, phần thì bị chìm, xác chật cả một khúc sông, máu loang đỏ dòng nước. Tướng giặc Hoàng Thao bị giết trong đám loạn quân.

Âm mưu xâm lược của Nam Hán bị đại bại. Lưu Yểm sợ hãi rút quân về Phiên Ngưng.
Sau đại thắng trận Bạch Đằng năm 938. Ngô Quyền bãi bỏ chức tiết độ sứ tự xưng vương lấy hiệu là Tiền Ngô Vương, xây dựng nhà nước độc lập, tự chủ, đóng đô ở Cổ Loa nay thuộc huyện Đông Anh – Hà Nội. Chấm dứt trên 1000 năm nước ta bị đô hộ, mở đầu cho thời kỳ phục hưng đất nước.

Năm Giáp Thân (944) ông lâm bệnh rồi mất, làm vua được 6 năm hưởng thọ 47 tuổi.
Sau khi ông mất, bản ấp lập miếu để hàng ngày thờ phụng và ghi nhớ công ơn của Người.